Những hạt độc hại từ lốp xe khi hao mòn gây ô nhiễm cao gần 2.000 lần so với khí thải, đặc biệt khi trọng lượng ôtô tăng lên.
Hạt bụi bay ra từ lốp xe gây ô nhiễm không khí, nước và đất đai, đồng thời chứa một loạt hợp chất hữu cơ độc hại, gồm các chất gây ung thư. Các nhà phân tích cũng khuyến cáo rằng ô nhiễm lốp xe có thể nhanh chóng trở thành một vấn đề lớn đối với các nhà quản lý.
Ô nhiễm không khí có thể dẫn tới hàng triệu người tử vong sớm trên toàn cầu mỗi năm. Ở những quốc gia phát triển, yêu cầu về các bộ lọc tốt hơn đồng nghĩa việc muội than trong khí thải cũng thấp hơn nhiều trên các mẫu xe mới, và ở châu Âu thường thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép. Tuy nhiên, trọng lượng xe tăng có nghĩa các loại hạt bụi từ lốp xe bay ra không khí nhiều hơn.
Các thí nghiệm do Emissions Analytics (EA, Anh) thực hiện cũng cho thấy, lốp xe sản sinh ra hơn 1.000 kg hạt siêu mịn với mỗi km xe chạy qua, tức những hạt có kích thước nhỏ hơn 23 nm. Các hạt siêu mịn cũng tỏa ra từ ống xả và đặc biệt gây lo ngại tới sức khỏe con người bởi kích thước siêu xe khiến chúng có thể chui vào các cơ quan thông qua máu. Các hạt nhỏ hơn 23 nm rất khó đo đạc.
Nick Molden của EA cho biết, ước tính cơ bản về ô nhiễm hạt mịn từ lốp xe đã thúc đẩy họ thực hiện nghiên cứu. “Chúng tôi thấy bối rối về lượng vật chất bị đẩy ra môi trường – 300.000 tấn lốp cao su ở Anh và Mỹ, chỉ từ ôtô con và xe van mỗi năm”.
Hiện không có quy định nào đối với tỷ lệ hao mòn lốp và cũng chỉ một số ít quy định về hóa chất trong lốp. EA từng xác định được các loại hóa chất có trong 250 loại lốp xe khác nhau – thứ thường được làm từ cao su tổng hợp, chiết xuất từ dầu thô.
Tỷ lệ hao mòn của lốp xe thuộc những thương hiệu khác nhau rất đa dạng và hóa chất độc hại cũng đa dạng không kém.
Các thí nghiệm về hao mòn lốp được thực hiện với 14 thương hiệu lốp khác nhau, lần lượt lắp trên cùng một chiếc Mercedes C-class và chạy bình thường trên đường giao thông công cộng. Những chiếc cân tiểu ly được dùng để đo trọng lượng mất đi của lốp và một hệ thống lấy mẫu giúp thu thập hạt bụi phía sau lốp khi xe chạy qua để cân, đếm và đo hạt, với kích thước tới 6 nm.
Khí thải từ xe cũng được đo với 4 mẫu SUV máy xăng – dòng xe mới phổ biến nhất hiện nay, với các xe đời 2019-2020.
Lốp xe cũ sản sinh 36 mg hạt mỗi km, cao gấp 1.850 lần so với mức trung bình 0,02 mg/km của khí thải. Đặc biệt, kiểu lái xe “phóng nhanh vượt ẩu” còn khiến ô nhiễm hạt bụi đạt mức 5.760 mg/km.
Từ lốp xe, các loại hạt nhỏ hơn cũng nhiều hơn loại hạt có kích thước lớn hơn. Có nghĩa lượng hạt siêu nhỏ sẽ bay hòa vào không khí nhiều hơn và góp phần gây ô nhiễm, dù chỉ chiếm 11% tổng trọng lượng hạt phát ra từ lốp. Dù vậy, lốp xe vẫn sản sinh lượng hạt bụi bay vào không khí cao gấp hàng trăm lần so với số muội than cùng trọng lượng từ khí thải.
Trọng lượng trung bình của mọi ôtô ngày nay cũng tăng. Những cuộc tranh cãi lúc này thường về việc ôtô thuần điện (BEV) – vốn nặng hơn so với ôtô động cơ đốt trong và có mô-men xoắn (hay lực quay) cao hơn – có thể sản sinh nhiều hạt lốp hơn. Molden nói rằng điều đó có thể phụ thuộc vào phong cách lái xe, với việc các tài xế điềm tĩnh khi lái xe điện cũng khiến ít lượng hạt bụi phát ra hơn so với các tài xế xe xăng hay lái ẩu. Nhưng nếu tính trung bình, hạt bụi từ lốp của xe điện có thể cao hơn đôi chút.
Dr James Tate, thuộc Viện nghiên cứu giao thông của Đại học Leeds (Anh), nói rằng kết quả từ các thí nghiệm lốp xe là đáng tin cậy. “Nhưng điều rất quan trọng cần lưu ý, rằng ôtô thuần điện đang trở nên nhẹ hơn. Đến hết 2024-2025, dự kiến xe BEV và ôtô con động cơ đốt trong sẽ có trọng lượng tương đồng. Chỉ những mẫu BEV cao cấp, cỡ lớn với gói pin lớn hơn mới nặng hơn”.
Một nghiên cứu khác gần đây cũng gợi ý rằng hạt bụi lốp là nguồn ô nhiễm vi nhựa chủ yếu đối với đại dương. Một hóa chất đặc biệt sử dụng trong lốp xe được cho liên quan tới cái chết của loài cá hồi tại Mỹ, điều khiến bang California đã đề xuất quy định mới trong tháng này.
Mỹ Anh (theo Guardian)